Dịch thuật chắc hẳn là một từ không còn xa lạ gì đối với mọi người trong thời đại hội nhập kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, để hiểu rõ và cụ thể hơn những khía cạnh khác về nghề nghiệp đang hot nhất nhì hiện nay thì mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
- Dịch thuật là gì?
Dịch thuật giải thích một cách đơn giản chính là hoạt động truyền tải ý nghĩa và nội dung của một thông điệp từ ngôn ngữ ngày sang ngôn ngữ khác để tạo thành một đoạn văn mới với ý nghĩa tương đương.
Tuy nhiên dịch thuật không chỉ đơn thuần là chuyển đổi song song từ “từ” sang “từ”, “câu” sang “câu” mà còn bị ràng buộc bởi rất nhiều yếu tố khác như ngữ cảnh, quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ được dịch và ngôn ngữ cần dịch hay thậm chí là phải quan tâm tới cả yếu tố khác biệt văn hóa giữa hai ngôn ngữ nữa.
- Các loại hình dịch thuật
Dịch thuật được chia làm 2 loại chính là Phiên dịch (dịch nói) và Biên dịch (dịch viết). Phiên dịch xuất hiện trước biên dịch từ rất lâu còn biên dịch chỉ mới xuất hiện khi ngôn ngữ viết đã phát hiện hoàn thiện nhằm phục vụ cho mục đích lưu trữ và truyền bá. Mỗi loại dịch thuật đều đòi hỏi những kĩ năng nhất định nhưng chung quy lại vẫn liên qua đến 4 kĩ năng chính đó là Nghe – Nói – Đọc – Viết.
- Phiên dịch
Phiên dịch là hành động chuyển đổi từ ngôn ngữ ngày qua ngôn ngữ khác bằng lời nói. Để phục vụ cho công việc phiên dịch thì 2 kĩ năng quan trọng mà một thông dịch viên cần nhất đó chính là khả năng Nghe – Nói vượt trội. Tại sao lại như thế? Phiên dịch viên là người có thể dịch thông tin gần như ngay tức khắc và cũng chính là người diễn đạt hàm ý của người nói sao cho người nghe có thể hiểu một cách rõ ràng nhất. Cũng chính vì điều đó mà ngoài kĩ năng nghe nói xuất sắc, một phiên dịch viên giỏi còn phải là người có thể nắm bắt và ghi nhớ thông tin nhanh chóng và hiệu quả.
Đối với những phiên dịch viên làm việc trong môi trường công sở thì khả năng tư duy nhạy bén cũng là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công việc mà người đó đem lại. Đôi khi người dịch sẽ phải linh hoạt theo hoàn cảnh và thời điểm để có thể đưa ra thông tin được dịch vừa chính xác mà lại không cứng nhắc sách vở.
Hãy thử tưởng tượng nếu đối tác hay sếp yêu cầu bạn dịch một đoạn thông tin vô cùng dài và nhiều chi tiết, liệu bạn có chắc rằng mình sẽ nhớ được hết? Đó cũng chính là lí do mà ngoài những kĩ năng chuyên môn, bạn còn cần phải trang bị cho mình kĩ năng take note hay nói cách khác là kĩ năng chọn lọc và ghi chú thông tin quan trọng. Điều này sẽ giúp bạn nắm bắt thông tin đầy đủ hơn mà không sợ quên hay dịch sót ý.
- Biên dịch
Biên dịch là hành động chuyển đổi ngôn ngữ thông qua chữ viết, ngôn từ trên giấy hay văn bản. Cũng giống như phiên dịch, một biên dịch viên chuyên nghiệp chắc chắn sẽ có cho mình những kĩ năng chuyên môn riêng để phục vụ cho công việc. Hai trong số đó là khả năng Đọc hiểu và Viết.
Nếu như phiên dịch chỉ yêu cầu người dịch truyền đạt sao cho đủ và đúng ý thì công việc biên dịch lại đòi hỏi cao hơn thế rất nhiều, mỗi một câu từ được dịch ra đều phải được lựa chọn kĩ lưỡng, trau chuốt sao cho người đọc dễ hiểu nhất có thể nhưng lại không mất đi ý nghĩa của thông tin gốc.
Biên dịch không chỉ đòi hỏi người dịch phải có kiến thức hay am hiểu về lĩnh vực cần dịch mà đôi khi còn phải biết cả về hình thức trình bày hay ngữ pháp của ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích nữa. Chính vì thế mà khả năng tìm tòi và nghiên cứu chính là nhân tố quyết định một người có phải là biên dịch viên giỏi hay không.
- Các phương pháp dịch thuật
Tất nhiên, để công việc được trôi chảy và thuận lợi thì dù là phiên dịch viên hay biên dịch viên cũng cần trang bị cho mình những phương pháp dịch nhất định phù hợp cho từng tình huống.
- Dịch đúng nghĩa: Là phương pháp dịch đúng và giữ nguyên hoàn toàn nội dung của ngôn ngữ cần dịch. Người dịch phải đảm bảo lối hành văn rõ ràng, đúng nguyên bản và văn phạm của ngôn ngữ dịch. Phương pháp này sẽ phù hợp cho những ai làm biên dịch – công việc đòi hỏi sự chính xác cực kì cao.
- Dịch ý: Ngược lại với phương pháp bên trên, dịch ý lại được ưa chuộng và phù hợp hơn cho những ai có đam mê làm phiên dịch viên. Bởi lẽ với phương pháp này người dịch có thể thoải mái sáng tạo ngôn từ miễn sao có thể truyền đạt đúng ý và hợp văn phong là được.
Mỗi một phương pháp sẽ có ưu điểm và nhược điểm riêng cho nên để đạt hiệu quả cao khi dịch thuật thì người dịch cần linh hoạt xem nên áp dụng phương pháp nào cho trường hợp nào, không nên cứng nhắc chỉ sử dụng một phương pháp nhất định.
- Trong tương lai, máy móc có thể thay thế con người trong việc dịch thuật hay không?
Với sự phát triển của công nghệ, máy móc và trí tuệ nhân tạo ngày nay thì đôi khi người ta ưu tiên sử dụng công nghệ cho việc dịch thuật để tiết kiệm thời gian và chi phí. Tuy nhiên, máy móc vẫn chỉ là máy móc, không thể nào thay thế hoàn toàn được con người. Thứ nhất, máy móc không thể linh hoạt được như con người, máy móc không thể phân biệt được trường hợp này dùng từ này có lịch sự hay không, có phù hợp ngữ cảnh hay không, nhưng con người thì chắc chắn có. Thứ hai, khả năng tiếp thu và cải tiến của máy móc tuy chính xác nhưng cần nhiều thời gian. Để nâng cấp cho máy học thêm từ mới hàng ngày cần tới rất nhiều công thức và câu lệnh, mà những thứ này cũng là do con người tạo ra. Trong khi đó, con người có khả năng tiếp thu kiến thức mới hoàn toàn vượt trội và hiệu quả hơn so với máy rất nhiều. Chính vì hai lí do trên mà dù là trong tương lai xa với nhiều sự phát triển vượt bậc, máy móc cũng không thể nào thay thế hoàn toàn được con người.
Hy vọng bài viết trên đã phần nào giúp mọi người hiểu rõ hơn khái niệm “Dịch thuật là gì?” cũng như hiểu thêm về tính chất những loại hình dịch thuật hiện nay, từ đó lựa chọn cho mình công việc phù hợp và thành công với đam mê của mình.