Thuật ngữ

Kỹ năng giải quyết xung đột – bí quyết của ngừoi thành công

Trong quá trình đi học, đi làm hay trong những mối quan hệ cá nhân thường ngày, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng phải đối mặt với những xung đột khi có những ý kiến trái chiều xuất hiện từ nhiều phía về một vấn đề nào đó. Vậy để giải quyết xung đột một cách nhanh chóng mà hiệu quả thì cần những kỹ năng gì?

  1. Xung đột là gì?

Để giải quyết một vấn đề thì chúng ta phải hiểu được bản chất vấn đề đó. Vậy để giải quyết được xung đột thì ta phải nắm được khái niệm xung đột là gì. Xung đột được định nghĩa là sự đối lập và bất đồng quan điểm về nhu cầu, giá trị và lợi ích giữa các cá nhân, các nhóm hay các tổ chức cụ thể. Trong đó, một bên nhận thấy quyền lợi của mình bị ảnh hưởng xấu do nguyên nhân từ bên còn lại. Xung đột được chia ra thành các nhóm chính như sau:

  • Phân biệt theo đối tượng gồm có:
    • Xung đột giữa các cá nhân với nhau
    • Xung đột giữa các nhóm với nhau
    • Xung đột trong nội tại cá nhân
  • Phân biệt theo tính chất xung đột:
    • Xung đột có lợi
    • Xung đột có hại
  • Chức năng của xung đột

Nghe có vẻ ngược nhưng đúng là xung đột không những không hoàn toàn xấu mà còn có thể có lợi nếu biết giải quyết đúng cách. Xung đột có 2 chức năng chính đó là chức năng xây dựng và chức năng phá vỡ. Ở đây, chúng ta sẽ xét trong môi trường làm việc công sở.

  • Chức năng xây dựng

Chức năng xây dựng là để nói đến những lợi ích mà một cuộc xung đột có thể mang tới, đặc biệt là xung đột giữa các nhóm làm việc chung. Có thể liệt kê ra những lợi ích cơ bản của xung đột ra như:

  • Tăng hiệu quả làm việc nhóm, tăng sự thấu hiểu đồng thời tăng khả năng gắn kết giữa các thành viên trong nhóm.
  • Tạo ra môi trường để mỗi cá nhân có thể tự đánh giá và thay đổi để phát triển tốt hơn.
  • Cải tiến chất lượng, kích thích sự sáng tạo và tranh đua để tạo ra cái mới.
    • Chức năng phá vỡ

Tuy có những lợi ích nhất định nhưng đa số các cuộc xung đột đều gây ra những hậu quả xấu và không có lợi cho cả hai bên như:

  • Làm rạn nứt mối quan hệ giữa các thành viên trong nhóm, làm giảm sự gắn kết, nghiêm trọng hơn thì một cuộc xung đột có thể gây chia rẽ nội bộ, ghen ghét đố kị, không muốn làm việc chung.
  • Từ việc các thành viên không đoàn kết dẫn tới làm giảm hiệu quả công việc, chậm tiến độ và gây ra sự không thống nhất trong quá trình làm việc.
  • Tạo ra hình ảnh xấu khi nhìn vào tập thể chung.
  • Kỹ năng giải quyết xung đột hiệu quả

Cũng chính vì xung đột có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả cũng như chất lượng công việc nên việc phát hiện ra và giải quyết xung đột nhanh chóng là cực kỳ quan trọng khi làm việc chung.

  • Tìm ra nguồn gốc của xung đột

Muốn tìm ra giải pháp thì phải biết được nguyên nhân vấn đề nằm ở đâu. Có hàng trăm nguyên nhân có thể dẫn tới việc xung đột nội bộ nhóm, có thể do bất đồng giữa các cá nhân trong nhóm, hay do một cá nhân cảm thấy không hài lòng với quy định chung hay cách làm việc của tập thể và vô vàn những lí do khác nữa. Vì vậy, việc xác định vấn đề bắt nguồn từ đâu sẽ giúp bạn biết được phải bắt đầu giải quyết xung đột như thế nào.

  • Ngồi xuống và lắng nghe

Sau khi đã tìm ra được căn nguyên của vấn đề thì việc tiếp theo là giữ bình tĩnh là lắng nghe, lắng nghe tất cả mọi người. Một sự việc có thể là đơn giản với người này nhưng lại là một điều bất mãn với người đang nằm trong cuộc xung đột. Cho nên việc tìm hiểu và lắng nghe ý kiến cũng như góc nhìn của mọi người về vấn đề sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát và khách quan hơn.

  • Cùng nhau trình bày quan điểm và đưa ra giải pháp

Trước tiên, hãy cùng mọi người ngồi xuống trình bày quan điểm của mỗi người và hỏi những người khác cảm thấy thế nào về quan điểm của đối phương, phù hợp hay không, bất hợp lý chỗ nào. Nên bình tĩnh thảo luận, hướng mọi người tới việc đưa ra giải pháp chung chứ không nên đào sâu vào nguyên nhân vì việc này rất dễ dẫn tới việc đổ lỗi qua lại lẫn nhau gây phản tác dụng.

Trong quá trình thảo luận và tìm cách giải quyết, hãy để tất cả mọi người được đưa ra cách giải quyết riêng. Càng có nhiều lựa chọn thì mọi người sẽ càng dễ thỏa hiệp để tìm ra đường đi đúng nhất. Việc này cũng sẽ tiết kiệm thời gian hơn việc suy nghĩ giải pháp một mình. Và đặc biệt hãy nhớ rằng, chính sự ảnh hưởng quyền lợi là nguyên nhân dẫn tới xung đột, vì vậy bạn phải đảm bảo giải pháp cuối cùng mà bạn đưa ra đáp ứng được tính công bằng giữa các cá nhân trong nhóm và được tất cả mọi người đồng thuận.

Yếu tố cuối cùng và cũng là yếu tố quyết định một cuộc thảo luận giải quyết xung đột có thể thành công hay không đó chính là việc gạt bớt cái tôi của bản thân sang một bên. Không chỉ riêng người trong cuộc xung đột mới cần đặt cái tôi xuống mà tất cả các thành viên trong nhóm cũng đều cần phải vậy, phải xác định mục tiêu chính là hướng tới hiệu quả công việc chứ không riêng gì lợi ích cá nhân.

Xung đột trong môi trường công sở không phải lúc nào cũng xấu. Tuy nhiên dù là lợi hay hại thì mọi cuộc xung đột cũng cần được tìm cách tháo gỡ trước khi quá muộn. Giải quyết xung đột không phải là một việc dễ dàng nhưng chắc chắn sẽ không khó để rèn luyện nếu bạn thực sự muốn công việc đạt hiệu quả cao. Hy vọng vơi những kỹ năng giải quyết xung đột mà bài viết đưa ra, bạn có thể tìm ra được phương pháp phù hợp nhất cho mình để cùng xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh và hiệu quả.

Categories:
Thuật ngữ
You Might Also Like

Leave A Reply

CAPTCHA